Trong những năm gần đây khoa học công nghệ trắc địa - bản đồ - viễn thám trên thế giới đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Nhiều nghiên cứu khoa học và thực tiễn sản xuất trong và ngoài nước đã minh chứng tính hiệu quả của các phương pháp công nghệ mới như GNSS, GIS, viễn thám, LIDAR, UAV, TLS v.v…Chuyên mục phổ biến kiến thức sẽ cung cấp cho các bạn trong và ngoài ngành các kiến thức là kết quả nghiên cứu khoa học, triển khai công nghệ trong lĩnh vực trắc địa-bản đồ-viễn thám trên thế giới và ở Việt Nam.
Máy bay không người lái (UAV)
Năm 1916, Archibald Montgometry Low (ngưới Anh) chế tạo chiếc máy bay không người lái đầu tiên UAV (Unemaned Arial Vehicle). Máy bay không người lái đã tham gia trong hai cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai. Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã sử sụng 3.500 các loại UAV cho nhiều mục đích khác nhau, nhiều nhất là cho mục đích do thám. Sau chiến tranh lạnh, UAV bắt đầu được ứng dụng trong dân sự, các thế hệ UAV ra đời được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực trong đó có lĩnh vực trắc địa-bản đồ. Các loại máy ảnh chuyên dụng với độ phân giải ngày càng cao được thiết kế chế tạo lắp trên các UAV để tiến hành chụp ảnh địa hình. Sự kết hợp với công nghệ GPS/GNSS đã làm tăng hiệu quả ứng dụng UAV trong công tác đo vẽ địa hình (Jan Leyssens, 2009). Ứng dụng UAV có nhiều ưu điểm nổi trội so với các phương pháp đo vẽ ảnh hàng không truyền thống, nhiều loại UAV được thiết kế gọn nhẹ, thao tác nhanh; khởi bay bằng tay hoặc các dụng cụ đơn giản thích ứng với mọi điều kiện địa hình.
Các hãng sản xuất các thiệt bị ngày càng hướng tới các thiết bị UAV với các thiết bị chụp ảnh độ phân giải cao, giảm thời gian và công sức trong các nội dung trắc địa-bản đồ. Các thiết bị UAV có khả năng điều chỉnh độ phân giải theo độ cao, khả năng định nghĩa phạm vi đo vẽ, thành lập và cung cấp nhanh chóng bản đồ mỏ lộ thiên các loại tỷ lệ lớn (1:500, 1:1000, 1:2000, 1:5000). Nhiều kết quả nghiên cứu đã khẳng định độ chính xác cao của các loại bản đồ mỏ lộ thiên đo vẽ bằng UAV, hoàn toàn đáp ứng cho công tác quản lý, điều hành sản xuất mỏ. Các UAV mới nhất hiện nay như MD4-1000 (Đức), Pteryx (Ba Lan), Swinglet CAM (Thụy sĩ), UX-5, X-100 Trimble (Mỹ) đều có thể bay thấp, chụp ảnh với độ phân giải vài chục cm trên khu vực có diện tích vài chục km2. Hiện nay, trong một lần bay, các UAV có thể chụp ảnh 4÷5 km2 với độ phân giải 10÷15 cm và có thể dưới 10 cm.